“Bay trên tổ chim cúc cu”, ngay cả khi đã đọc xong cuốn sách, tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của tựa đề nhiều ấn dụ này. Chỉ biết rằng, cuốn sách ấy cũng khiến cho tôi có cảm giác như đang bay trên một cái gì đó, bay trong cái vòng xoáy cuồn cuộn của chữ nghĩa, bay trong một thế giới lạ lẫm mơ hồ - thế giới của những người điên!
Kenn Keyse, ở tuổi 27 khi ông viết cuốn sách này, đã tạo nên cái thế giới ấy: 40 gã điên rồ ở đủ mọi hình thức, một mụ y tá độc đoán, những tên hộ lý da đen lạnh như thép và một vài tay bác sĩ bất tài… Đấy là toàn bộ thế giới của trại thương điên, nơi vị “thủ lĩnh” da đỏ Bromden bị mắc kẹt – một gã da đỏ “thứ thiệt” nhưng không biết làm gì ngoài run rẩy sợ hãi mọi thứ, và đảm nhiệm công việc lau chùi trong bệnh xá.
Cho đến một ngày McMurphy xuất hiện – một gã tóc đỏ bất trị quyết tâm vào trại thương điên chỉ để chạy trốn khỏi nhà tù với một cái án treo trên đầu. Nhưng chẳng ai ngờ, chính cái sự “bất trị” của McMurphy đã làm đảo lộn cái thế giới u buồn và ảm đạm của đám bệnh nhân, từ “cấp tính” cho đến “kinh niên” kia. Họ là bệnh nhân nhưng đồng thời cũng là tù nhân, sống dưới chế độ cai trị hà khắc của mụ y tá trưởng, được khắc họa dưới hình ảnh một mụ đàn bà chuyên quyền, độc đoán, sẵn sàng “tẩy não” bất cứ tên “tù nhân” nào dám nổi loạn.
Vậy mà McMurphy, bất chấp lời cảnh báo của những người đi trước, lại sẵn sàng “tuyên chiến” với mụ y tá trưởng và những luật lệ mà mụ tự ý đặt ra cho nhà tù của riêng mình. Từ chuyện đòi quyền hút thuốc, quyền xem TV, cho đến một chuyến đi câu cá cho bệnh nhân. Thế giới câm lặng và u ám của trại thương điên bỗng dưng trở nên nhộn nhịp. Ngay cả Bromden, kẻ trước giờ vẫn cứ giả câm giả điếc cũng đã lên tiếng trở lại.
Tác phẩm đã được dựng thành phim
Và McMurphy phát hiện ra một bí mật rằng, hóa ra cái trại thương điên, cái nơi dành cho người điên ấy lại đa phần là… người bình thường. Hầu như chẳng ai bị điên cả. Và hầu như những bệnh nhân kia không hề bị ép vào trại, mà họ tự nguyện. Và trại thương điên, nơi để điều trị cho bệnh nhân, dường như lại làm mọi thứ trái ngược với nhiệm vụ của nó. Bệnh nhân chẳng những khỏi bệnh mà còn trở nên điên hơn, bế tắc hơn, tù túng hơn.
McMurphy, kẻ đại diện cho những phần tử nổi loạn, kẻ làm mụ y tá trưởng tức giận đến phát điên, lại cũng chính là kẻ đã mở ra một đường sống mới cho những bệnh nhân tâm thần (hay vờ như tâm thần) nơi đây.
Có bất thường không khi những người không điên lại quyết tâm vào trại thương điên để ngày ngày vờ khóc vờ cười, vờ nhớ nhớ, quên quên, vờ câm vờ điếc? Có bất thường không khi một người đàn ông khỏe mạnh cường tráng lại phó mặc cuộc đời mình cho những mũi tiêm và công việc cọ nhà vệ sinh mỗi ngày?
Nhưng có lẽ chẳng bất thường đâu khi cuộc sống ở bên ngoài bức tường kia không có chỗ dành cho họ. Chẳng bất thường chút nào khi ở đó họ không tìm thấy tình yêu, niềm tin hay ít ra là một bờ vai để dựa, một bàn tay để nắm lấy khi cần. Ở nơi đó chỉ có những mụ vợ ngoại tình, những ông bố nát rượu, những bà mẹ sẵn sàng bỏ con để đi “cặp bồ”, những lão sếp ưa nịnh nọt, những đồng nghiệp hay ghen tị, những hàng xóm thích buôn chuyện…
Họ lạc lõng, họ bị bỏ rơi trong thế giới người bình thường ấy. Giống như tay “thủ lĩnh” Bromden từng tâm sự, rằng hắn không điên, hắn cũng chưa bao giờ cho là mình điên. Chỉ có những người xung quanh nghĩ hắn điên, chỉ những người xung quanh không cho hắn cái quyền được nghe, được nói. Nên hắn vào trại thương điên, và tự tạo cho mình cái vỏ bọc câm, điếc. Và cũng nhờ cái vỏ bọc ấy, hắn mới phát hiện ra tất cả sự thối nát, đáng ghê tởm của cái xã hội này, nơi người ta trước mặt thì cười nói, còn sau lưng thì thóa mạ nhau.
Trong cái xã hội rối ren, đảo điên ấy, McMurphy – một tên tội phạm lại nổi lên như một đấng cứu thế. Nhưng rốt cuộc, hắn cũng chỉ như hòn đá cuội ném xuống mặt hồ rộng lớn, khuấy động một chút cái mặt nước vốn lặng như tờ, để rồi lại chìm nghỉm xuống đáy hồ tăm tối. Hắn bị đưa đi sốc điện, một biện pháp điều trị gần như “tẩy não” và trở về với cái xác không hồn, chỉ còn một đám tóc đỏ lơ phơ ngóc lên trong vô vọng. Để cuối cùng, Bromden kết liễu đời hắn bằng một cái gối và kết thúc câu chuyện bằng cách bỏ trốn khỏi trại thương điên.
“Bay trên tổ chim cúc cu” là một câu chuyện lạ, một câu chuyện làm “mất sức” người đọc, không đơn thuần là một câu chuyện giải trí thông thường. Và đáng khâm phục thay, nó lại được viết bởi một nhà văn 27 tuổi, cái độ tuổi mà nhiều người nghĩ rằng còn chưa đủ độ “chín” để viết nên một kiệt tác như thế. Một kiệt tác, cũng là một bức tranh chân thực nhất, sinh động nhất phơi bày hiện thực nước Mỹ những năm 60 của thế kỷ trước, hay cũng là hiện thực của bất kỳ một xã hội nào trong thời đại công nghiệp, khi mối quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên lỏng lẻo, và quyền lực của đồng tiền giữ vị trí độc tôn.
Theo carviet.com