Ông chủ hãng máy tính Dell: Hành trình hai lần khởi nghiệp

"Khi thành lập công ty, bạn sẽ có trách nhiệm với nó. Tôi quan tâm tới Dell hơn mạng sống của mình. Và vì được làm những gì mình yêu thích, tôi không bao giờ thấy mệt mỏi".

Mr. Dell

Ngày đầu khi khởi nghiệp, Dell được coi là một công ty công nghệ Mỹ điển hình được thành lập từ phòng trọ đại học.

Thời gian gần đây, nhiều người cho rằng Dell lỡ kế hoạch di động hóa những sản phẩm của họ và mất một thị phần khá lớn. Tuy nhiên, ít ai biết dưới sự lãnh đạo của Michael Dell công ty này đang âm thầm tạo ra bước chuyển mình khá lớn.

Năm 2013, Dell đạt doanh thu 60 tỷ USD. Trong đó, 1/3 đến từ các mảng kinh doanh như an ninh mạng, mạng dữ liệu, các dịch vụ về dữ liệu và điện toán đám mây. Mục đích của bước chuyển mình kể trên của Dell là trở thành người dẫn đầu về các giải pháp công nghệ thông tin.

Hiện tại, Dell đã rút lui khỏi thị trường chứng khoán và quay trở lại thành công ty khởi nghiệp với những bước đi dài hơi cùng mục tiêu vượt xa các đối thủ cạnh tranh.

Dưới đây là chia sẻ của nhà sáng lập Michael Dell về quyết định rút khỏi thị trường chứng khoán và những bài học kinh doanh đáng giá sau khi trải qua hai lần khởi nghiệp với cùng một công ty.

Thách thức thay đổi hay bị loại bỏ

Trở về năm 2007, lúc đó tôi đang nắm giữ vị trí CEO, hầu hết các ngành kinh doanh cốt lõi đang có dấu hiệu xấu đi và những gì công ty chúng tôi làm trong những năm trước đó không hề đem lại lợi nhuận.

Ví dụ điển hình là vào những năm 90, đường truyền và máy tính là sản phẩm bán rất chạy và nhu cầu của khách hàng là rất lớn. Tuy nhiên, sau một thập kỷ nhu cầu này đã thay đổi. Tôi hiểu vấn đề rằng, không thể làm duy nhất một việc và mong nó mãi mãi phù hợp, chúng tôi cần phải thay đổi. Tuy nhiên, câu hỏi khó nhất được đặt ra là phải thay đổi như thế nào?

Tôi đã trả giá rất nhiều để tìm ra câu trả lời. Tuy nhiên, kinh nghiệm duy nhất được đúc kết ra đó là: Cần phải tìm hiểu rõ khách hàng cũng như vấn đề họ gặp phải rồi đáp ứng nó, ngay cả khi họ không phải khách hàng tiềm năng.

Biết lắng nghe

Khách hàng tốt nhất là người có những vấn đề mới mà chúng ta chưa gặp trước đó, bởi có nhiều khả năng vấn đề đó sẽ tồn tại ở những khách hàng khác. Đối với những đối tượng này, bạn cần tập trung giải quyết vấn đề thay vì phát triển sản phẩm và tạo ra một cách nhìn khác.

Vì vậy, khi muốn bán một sản phẩm, Dell luôn thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Từ chỗ cho họ xem những mặt hàng chúng tôi có, tìm hiểu những gì họ muốn, những vấn đề họ mắc phải. Qua sự trao đổi thông tin đó, một mặt chúng tôi xây dựng nền kinh doanh vững chắc, mặt khác cho chúng tôi mối quan hệ với khách hàng bền chặt hơn.

Thu thập đủ thông tin trước khi đưa ra quyết định

Khi phải quyết định một vấn đề lớn, chúng ta cần thông tin, những đánh giá có giá trị và có số lượng lớn. Khi đó, tôi nói chuyện với khách hàng, nhà phân phối, những nhà phân tích và tìm cách lấy càng nhiều thông tin càng tốt trước khi đưa ra quyết định

Tuy nhiên đôi khi vận may đến bất ngờ và bạn cần phải đưa ra quyết định một cách nhanh chóng. Ví dụ điển hình là khi Dell mua công ty EqualLogic với giá 1,7 tỷ USD vào năm 2007. Chúng tôi gần như hoàn thành những thủ tục sáp nhập trước đó và phải quyết định một cách nhanh chóng, một ngày trước khi công ty này hoàn thành thủ tục IPO.

Tại thời điểm đó tôi có nhiều lựa chọn, hoặc là tự xây dựng công nghệ, sát nhập với đối tác hiện có hoặc là mua công ty EqualLogic. Tôi cần nhiều thông tin để giải quyết sự lựa chọn đó, nhưng lại không có nhiều thời gian. Sau đó, tôi quyết định lấy ý kiến từ những kỹ sư trong chính công ty. Dù là những nhân viên bậc trung, nhưng họ là những người ưu tú nhất trong lĩnh vực này.

Tôi đặt ra câu hỏi: “Giả sử chúng ta có 1 triệu USD và có thể đầu tư món tiền đó vào sản phẩm này hoặc sản phẩm kia. Lời lãi không thể biết trước, có thể chúng ta mất hết hoặc kiếm lại 10 triệu USD, vậy chúng ta nên làm gì?”. Phần lớn nhân viên nói sẽ đầu tư vào EqualLogic, chỉ có một người chưa có câu trả lời. Sau đó, tôi đã thực sự biết mình cần phải làm gì.

Đầu tư lâu dài và di chuyển nhanh chóng

Sau khi sự kiện Dell rút khỏi thị trường chứng khoán, tôi được nghe rất nhiều ý kiến. Có người khen ngợi và nói rằng họ cũng luôn muốn làm điều đó. Thậm chí nhiều khách hàng cũng tỏ ra thích thú với quyết định này.

Tuy nhiên, ít ai biết mục đích duy nhất khi tôi đưa ra quyết định này là bỏ qua mối lợi nhuận trước mắt và tìm ra đường hướng lâu dài cho công ty.

Nếu là một công ty tư nhân, bạn có thể dành nhiều tiền hơn để đầu tư vào đội ngũ nhân lực. Khi là công ty đại chúng, có rất nhiều mối lo khác đến từ những thành quả trong ngắn hạn như doanh thu, lợi nhuận.

Ngoài ra, bạn còn phải chịu sự thúc ép của các cổ đông về cổ tức… Như vậy, bạn sẽ không thể dành nhiều thời gian để lo cho những hướng đi lâu dài và chú tâm vào phát triển đội ngũ nhân lực.

Nói chung, khi tự thành lập công ty, bạn sẽ có trách nhiệm với nó. Tôi quan tâm tới Dell hơn cả mạng sống của mình. Và khi được làm những gì mình yêu thích, tôi không thấy mệt mỏi về những giờ lao động dài và lịch làm việc dày đặc. Tôi thích những điều đó.

Vân Đàm

Labels: ,
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.