Vua KFC: "Không bao giờ nằm trên giường lo lắng"

Trắng tay ở tuổi 66 và lần đầu tiên trở thành triệu phú đô la ở tuổi 74 là trường hợp của Harland Sanders -tên thật của một nhân vật vốn rất quen thuộc,- “Ông già Kentucky”, người sáng lập ra thương hiệu KFC.

Colonel Harland David Sanders - ông già Kentucky - Ảnh: Wiki

“Ý tưởng một người đã 66 tuổi bắt đầu lại từ đầu luôn ám ảnh nhưng đó cũng là phần thú vị nhất cuộc đời tôi. Dù có niềm tin lớn vào sản phẩm của mình, vào chính bản thân mình nhưng đó vẫn là một thử thách quá lớn”.

3000 chủ nhà hàng "tống cổ"

Phần đời thú vị như ông Sanders chia sẻ xoay quanh việc ông sống bằng tiền an sinh xã hội ở mức 105 USD/tháng vào thời điểm thập niên 50 của thế kỷ trước, quấn mền ngủ ở băng sau xe hơi và rong ruổi khắp bang Kentucky để chào mời các nhà hàng bán món gà rán của mình.

Món gà rán với loại bột tẩm có 11 thứ gia vị là đặc sản của ông Sanders. Nhưng nếu không có một quá trình dày công quảng bá và cả những mưu mẹo chào mời để các cửa hàng tại Kentucky bán món ăn này, thì có lẽ ngày nay cả thế giới đã không biết đến KFC.

Cái mẹo đầu tiên của ông Sanders là luôn đậu xe ở rìa các thị trấn để những chủ nhà hàng sắp được tiếp cận không biết rằng ông đang ở tình trạng nghèo nàn tới mức nào. Ông chỉ vào những nhà hàng tốt nhất tại mỗi thị trấn, trực tiếp chiên gà của mình cho chủ nhà hàng thưởng thức với lời gợi ý “nếu quý vị thích món gà của tôi, thì khách hàng của quý vị cũng sẽ thích”.

Đây quả là một hành trình gian khổ bởi rất khó để bước vào nhà hàng của một người khác và nói rằng “gà của anh không ngon bằng của tôi, hãy bán món gà rán của tôi”.

Quả thật, ông Sanders đã nhận được danh hiệu vui là người bị tống cổ ra khỏi nhà hàng nhiều nhất nước Mỹ. Ước tính ông đã bị hơn 3.000 ông chủ tống cổ ra khỏi nhà hàng của họ.

Bằng cách dấn thân, giới thiệu đúng chỗ sản phẩm của mình và khéo léo lái suy nghĩ của người khác theo ý mình muốn, dần dần càng có nhiều nhà hàng chấp nhận món gà rán của ông, và ông đã phát đạt. Đến năm 74 tuổi, khi cần nghỉ ngơi, “Đại tá Sanders” - tên thân mật người Mỹ vẫn gọi ông - đã bán thương hiệu KFC và trở thành triệu phú.

Cái khó ló cái khôn

Nếu không có sự kiện làm ông trắng tay ở tuổi 66, có lẽ Sanders đã không thể trở thành một triệu phú mà an phận là một trạm xăng có phục vụ thức ăn nhanh.

Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như con đường xuyên bang không mở ra khiến trạm xăng của ông Sanders không còn nằm trên mặt tiền, rơi vào chỗ khuất khiến công việc kinh doanh hoàn toàn tê liệt.

Chia sẻ về thời điểm sạc nghiệp khi đã ở tuổi hưu, ông Sanders kể lại: “Không thể không stress khi mất hết tiền bạc nhưng tiền đã đi rồi và tôi không bao giờ muốn từ bỏ nguyên tắc của mình là “lo bò trắng răng”. Trong quá khứ tôi đã từng kiếm được tiền và tôi biết mình sẽ lại kiếm được tiền”.

Không nằm trên giường lo lắng

Một trong những nguyên tắc của ông là không lo lắng, chỉ tập trung giải quyết công việc. Ông chia sẻ: “Tôi không bao giờ nằm trên giường lo lắng. Tôi đã từng như vậy khi khởi nghiệp ở trạm xăng. Nhưng tôi chợt nghĩ, tại sao lại phải tính toán, trong khi vào giờ này không thể gặp ai, để giải quyết việc gì. Cho nên tốt nhất là hãy ngủ đi”.

Sự kiện này không phải là lần đầu tiên trong đời ông gặp khó khăn. Cha mất sớm, ông Sanders phải gánh vác công việc nội trợ ngay từ khi còn rất nhỏ để mẹ kiếm tiền nuôi gia đình. Lúc 6 tuổi, ông Sanders đã có thể nướng bánh mì và phụ trách công việc nấu ăn cho gia đình. 10 tuổi, ông phải đi làm thuê trên đồng, rồi đến năm 15 tuổi, vì hục hặc với cha dượng, ông khăn gói ra đi.

Khi trưởng thành, cuộc sống của ông cũng cực kỳ bấp bênh, trải qua nhiều công việc khác nhau, tất cả đều không ổn định.

Nhưng ông luôn biết cách giải quyết và nắm bắt được tâm lí của khách hàng. Ý tưởng mở ngay một góc nhỏ phục vụ ăn uống ở trạm xăng là bệ phóng để ông tìm tòi tạo ra thứ bột tẩm gà rán có 11 hương liệu khác nhau.

Ông cũng đã từng viết dòng chữ: “Có thể nó hơi mắc, nhưng nó rất ngon” khi phục vụ một suất ăn sáng gồm nhiều món với giá khá cứng. Tiêu chí của ông luôn là sử dụng những loại thực phẩm tốt và đánh vào tâm lý “được thỏa mãn” của khách hàng. Một điều khác ông nhấn mạnh là thực đơn phải gọn nhưng tinh. Chỉ có điều này mới khiến khách hàng thật sự chú ý đến món ăn của nhà hàng.

“Không có lý do gì để làm người giàu nhất ở nghĩa trang”

Khi bán thương hiệu vào năm 1974, ông Sanders giải thích rằng ông không phải là người “có đủ tài năng” để phát triển doanh nghiệp, dù rằng, đã từng có giai đoạn ba năm liên tiếp không nghỉ ngày nào và giải quyết công việc 24/24. Và bước tính này của ông đã đúng đắn bởi người chủ mới của KFC đã giúp phát triển nó một thương hiệu toàn cầu và nâng doanh thu cao gấp nhiều lần so với trước đó.

Trong những năm cuối đời, ông tích cực làm từ thiện và một trong những câu nói của ông khiến mọi người phải suy nghĩ là “Không có lý do gì để làm người giàu nhất ở nghĩa trang. Ở trong đó, bạn không thể kinh doanh bất cứ cái gì”.

Dù gì thì ở độ tuổi nào, bị thất bại ra sao, miễn là có sự quyết tâm, lạc quan hành động và suy nghĩ tích cực thì con đường lập nghiệp làm giàu vẫn mỉm cười. Chỉ khi con người đầu hàng số phận, không chí tiến thủ thì cuộc đời và thời gian trở nên vô vị, làm con người mờ nhạt trong nghĩa địa của sự cố thủ và sợ hãi.

TRÙNG DƯƠNG - CHU YÊN

Labels: ,
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.