Cá nhân bán hàng trên Facebook & mạng xã hội có đúng là phải kê khai và nộp thuế?

Tinh thần của Thông tư 47 và Nghị định là góp phần thúc đẩy hoạt động Thương mại điện tử quốc gia phát triển.


Sau khi Bộ Công Thương công bố Thông tư Số 47/2014/TT-BCT, ngày 05 tháng 12 năm 2014. Trên các một số tờ báo điện tử đã đưa ra bài viết với tiêu đề mang tính chất thông báo và khẳng định “Bán hàng trên Facebook sẽ phải kê khai, nộp thuế”. Sau bài báo, hàng loạt những bạn đang kinh doanh trên mạng Internet nói chung và bán hàng trên Facebook nói riêng khá hoang mang và lo lắng thực hư đúng sai, nhiều bạn chia sẻ bài báo với những lời bình luận băn khoăn và lo lắng…

Trước những băn khoăn này của độc giả, cúng tôi xin đăng tải ý kiến của Thạc sĩ (MBA) Phan Anh, chuyên gia Marketing điện tử và Thương mại điện tử, đồng thời là Cử nhân luật về vấn đề này.

THỨ NHẤT LÀ: Hiểu đúng về Thông tư 47 và Nghị định 52

Trước hết cần hiểu rõ hơn về Thông tư 47/2014/TT-BCT này là Thông tư gì, quy định về vấn đề gì, cho Nghị định nào. Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (sau đây gọi là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP) quy định về hoạt động kinh doanh trên website thương mại điện tử, trình tự, thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử, đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử và công bố thông tin trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. (Theo Khoản 1, Điều 1 Thông tư 47).

Thực tế Thông tư 47 và Nghị định 52/2013/NĐ-CP không hề có điều khoản cụ thể và chính xác là “bán hàng trên Facebook phải kê khai và nộp thuế”. Bởi đây là văn bản quy phạm pháp luật, đương nhiên là nhà làm luật và cơ quan quản lý không đưa ra một trường hợp cụ thể hoặc quy định quy định cụ thể về một tình huống đó, mà đó là cách suy luận.

THỨ HAI LÀ: Bán hàng trên Facebook và các trang mạng xã hội khác ở Việt Nam có phải kê khai và nộp thuế hay không?

Có thể khẳng định tinh thần pháp luật và quản lý của Thông tư 47 và Nghị định 52 là tạo điều kiện cho việc phát triển thương mại điện tử của quốc gia, doanh nghiệp và các thương nhân, cá nhân kinh doanh đúng luật. Trong bối cảnh cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý và việc thực thi pháp lý còn nhiều hạn chế thì Thông tư 47 và Nghị định 52 tạm thời không định hướng đến đối tượng là cá nhân kinh doanh trên mạng Internet nói chung và trên các trang mạng xã hội.

- Điều 37 Nghị định 52 quy định: Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử

1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

Theo Khoản 1 này: khi người dùng Facebook có thể tạo tài khoản Profile hoặc tài khoản Fanpage có thể cung cấp cho Facebook thông tin về người dùng theo quy định của Facebook, cũng khá phù hợp với Điều 29 Nghị định 52. Nhưng thông tin cá nhân này các mạng xã hội nước ngoài thường sẽ không cung cấp cho các cơ quan do chính sách bảo mật người dùng.

2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo khoản 2 này: người dùng Facebook Profile hoặc Facebook Fanpage khó có thể cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ, thanh toán, giá cả, giao nhận, các quy định khác ... vì Facebook hiện nay không định nghĩa là “website thương mại điện tử hoặc website bán hàng, hoặc sàn giao dịch điện tử” mà là một “mạng xã hội kết nối người dùng” và kiếm tiền từ việc bán quảng cáo.

3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo khoản 3 này: Hiện nay Facebook không thể hoặc không có trách nhiệm phải đảm bảo tính chính xác, trung thực thông tin về hàng hóa, dịch vụ do người dùng dịch vụ đưa lên. Và các thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc Facebook cũng do người bán hàng tự cung cấp, cũng chẳng có ai kiểm chứng đúng sai của những thông tin này.

4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo khoản 4 thì: Facebook hiện nay không hề/ chưa có có tính năng “đặt hàng trực tuyến” giữa những tài khoản là người mua và người bán.

6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo khoản 6: như đã phân tích ở trên, Facebook không liên quan đến các sản phẩm được giới thiệu, được bán trên tài khoản Profile hoặc Fanpage của cá nhân, thương nhân vì vậy cũng thật khó để Facebook bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.

7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 7: được hiểu là người bán hàng sẽ phải có nghĩa vụ về thuế đối với hoạt động kinh doanh của mình ở trên mạng Internet nói chung và các trang website là sàn giao dịch thương mại điện tử hay mạng xã hội, có thể là thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng v.v…

THỨ BA LÀ: Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đưa ra khung pháp lý để quản lý và định hướng hành vi của người bán hàng, người làm kinh doanh và của doanh nghiệp đồng thời tăng thu ngân sách cho Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên. Và tôi cũng cho rằng quan điểm của Thông tư 47 và Nghị định 52 hiện tại là chưa hướng tới việc thu thuế ngay của người bán hàng trên mạng xã hội.

Nhưng theo tôi, việc thu thuế của người bán hàng qua mạng xã hội điển hình như mạng xã hội Facebook là điều vô cùng khó khăn!

Chỉ mất chưa đầy một phút bạn đã có thể tạo ra một tài khoản Facebook Profile, sau đó có thể tạo ra hàng trăm, hàng nghìn Fanpage khác nhau. Với rất nhiều người bán hàng, họ có thể bán hàng theo chiến lược “hớt váng thị trường”, lập Fanpage bán hàng trong một thời gian rất ngắn (vài giờ, vài ngày) bán hàng rồi bỏ hoặc xóa luôn tài khoản Fanpage đó, thậm chí đóng luôn tài khoản Profile.

Đối với việc cá nhân bán hàng trên mạng xã hội, thực tế kinh doanh hiện nay cho thấy tỷ lệ mua hàng trực tuyến qua điện thoại, email, chat, comment rất cao chứ không phải là qua công cụ đặt hàng trực tuyến. Và khi thanh toán thì họ thường thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD), tỷ lệ thanh toán COD rất cao đối với mô hình bán hàng trực tuyến B2C và C2C. Vậy thì rất khó thu được tiền thuế qua thanh toán trực tuyến. Hơn nữa, cá nhân chuyển tiền cho cá nhân qua ngân hàng hoặc ngân hàng trực tuyến cũng rất khó đâu là thanh toán mua bán, đâu là giao dịch cho vay, cho mượn, trả nợ, tặng cho...

Hiện nay, Facebook có khoảng 1,5 tỷ tài khoản người dùng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Facebook hiện đang có khoảng xấp xỉ 27 triệu tài khoản sử dụng. Có người có một tài khoản, có người có nhiều tài khoản khác nhau, có người chỉ có tài khoản người dùng thông thường là Profile, có người có một hoặc nhiều tài khoản Fanpage; có người sống và làm việc tại Việt Nam, có người thì định cư ở nước ngoài – hoặc là Việt Kiều, hoặc là người nước ngoài bán hàng về Việt Nam. Chưa kể đến có hàng trăm loại dịch vụ mạng xã hội trong và ngoài nước khác nhau, với số tài khoản hoạt động lên tới hàng tỷ tài khoản. Hoạt động mua bán của những người bán hàng cá nhân diễn ra hoàn toàn mang tính tự nhiên và tự phát hoặc thâm chí là có tổ chức đi chăng nữa thì cũng vô cùng khó kiểm soát. Ai mua, ai bán, bán hàng hóa loại gì, giá bao nhiêu, thanh toán như thế nào v.v… rất phức tạp và khối lượng giao dịch rất lớn. Chưa kể đến việc tính thuế thu nhập cá nhân còn đòi hỏi phải tính toán chi li và các vấn đề “khấu trừ gia cảnh” v.v… rất phức tạp.

LỜI KẾT

Về ý kiến chuyên môn pháp lý và kinh doanh, cá nhân tôi cho rằng: Những người bán hàng theo loại hình cá nhân tự doanh đang bán hàng trên mạng xã hội Facebook và các trang mạng xã hội khác trong và ngoài nước cứ yên tâm bán hàng và tuân thủ theo các quy định sẵn có của Nhà nước, ví dụ như Luật Thương Mại về nguồn gốc hàng hóa, chất lượng hàng hóa, bán hàng uy tín… Việc này góp phần nhằm gia tăng lòng tin của khách hàng vào thương mại điện tử để góp phần làm phát triển thương mại điện tử quốc gia và làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hãy yên tâm bán hàng, vì những thông tin nhận định rằng “bán hàng trên Facebook phải kê khai và nộp thuế” là chưa có cơ sở, chưa có căn cứ chính xác. Hơn nữa, tinh thần của Thông tư 47 và Nghị định là góp phần thúc đẩy hoạt động Thương mại điện tử quốc gia phát triển.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Phan Anh
Labels:
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.