Trải qua gần 1 thập kỷ, thị trường startup Việt Nam vẫn đối mặt với sự thiếu hụt những công ty “chất lượng”, sự hỗ trợ chưa “tới” và vốn đầu tư chưa đủ. Tuy vậy, tất cả những vấn đề này đang dần được thay đổi bởi một làn sóng doanh nhân và nhà đầu tư mới nhằm định hình lại hệ sinh thái startup Việt Nam.
Trong khi mối liên kết giữa các nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp tại nhiều quốc gia trên khắp châu Á đang dần tiến triển thì đây lại vẫn là vấn đề nan giải ở Việt Nam. “Nếu không có các nhà đầu tư thì sẽ không thể có một hệ sinh thái startup hoàn chỉnh”, theo bà Thủy Trương – đồng sáng lập GreenGar, công ty có trụ sở tại Việt Nam đầu tiên được chấp nhận tham gia vào chương trình 500 Startups.
Cũng theo anh Nam Đỗ - đồng sáng lập và CEO của SeeSpace thì hệ sinh thái startup hiện chưa có tại Việt Nam, nhưng quốc gia này bước đầu xây dựng nó.
Áp dụng mô hình "quốc gia khởi nghiệp Israel"?
2015 là năm đầu tiên Việt Nam được mời tham gia Start Tel Aviv – cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức bởi Phòng kinh tế và thương mại Israel. Cùng thời điểm này, Việt Nam cũng đang nhắm đến việc kết nối các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân, các công ty khởi nghiệp nên phát triển từ những trường đại học hay viện nghiên cứu. “Việt Nam có thể bắt đầu với những công ty khởi nghiệp từ trường học, sau đó đến thành phố, rồi cuối cùng là cấp quốc gia”. Ông Quân cũng tiết lộ mục tiêu của Việt Nam là có 5.000 công ty công nghệ vào năm 2020.
Israel là một trong những quốc gia rất chú trọng đến R&D (nghiên cứu và phát triển) với tỷ lệ R&D/GDP cao bậc nhất thế giới. Những "gã khổng lồ" trên toàn thế giới như Intel, eBay, Apple, IBM, Google và Microsoft đều phải đến Israel và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và trung tâm R&D tại đây. Nếu Microsoft đã ra mắt trung tâm R&D thì Apple lại mua 2 công ty khởi nghiệp chỉ trong vòng 2 năm, còn Intel thì đầu tư vào 64 startup tại Israel.
Vậy điều gì khiến hệ sinh thái startup của Israel tuyệt vời đến vậy? Theo Oren Simanian – nhà sáng lập của StarTau tại “thành phố khởi nghiệp” Tel Aviv thì “Israel buộc phải phát triển và giữ được đà phát triển đó”.
“Một khi đứng trong tình thế không còn lựa chọn nào khác, bạn sẽ phải làm điều tốt nhất mà mình có thể”. Thêm vào đó, văn hóa đa ngôn ngữ và tinh thần sẵn sàng đương đầu với thử thách, rủi ro của người Israel đã góp phần tạo nên thành công cho họ. “Nếu không tạo ra được một nền kinh tế tốt, bạn sẽ bị cô lập”.
Sáng tạo là yếu tố then chốt
Sự sáng tạo sẽ giúp Việt Nam phát triển từ một quốc gia có thu nhập trung bình thành đất nước giàu có. Để đạt được điều này, thế hệ các doanh nhân trẻ tuổi là yếu tố then chốt. Tạo ra hệ sinh thái cách tân sẽ giải quyết được 2 vấn đề: Tính cạnh tranh và thất nghiệp. Vì vậy, mối liên hệ giữa yếu tố tư nhân và sự trợ giúp từ Chính phủ là rất cần thiết.
Vấn về vốn
Thử thách lớn nhất khi các quỹ đầu tư gia nhập vào thị trường Việt Nam là tìm ra một đội ngũ giỏi có thể thực hiện các dự án của họ. Nhiều người phàn nàn rằng, họ không thể tìm ra được những nhà sáng lập tài năng. Cũng chính bởi vậy, phải mất đến vài tháng để hoàn thành một thỏa thuận tại Việt Nam.
Hiện nhiều chuyên gia cho rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa cởi mở như nhiều quốc gia khác trong khu vực nhưng họ tin rằng điều này sẽ sớm được thay đổi.
“Trong vòng 3- 5 năm tới, các công ty khởi nghiệp của Việt Nam sẽ mở rộng ra nước ngoài và đây là cơ hội tốt để đầu tư”, phó chủ tịch IDG Venture Vietnam Trương Nguyễn nói. “Những tiến triển trong việc xây dựng hệ sinh thái startup sẽ giúp Việt Nam thâm nhập vào thị trường khác. Các doanh nhân Việt Nam đang ngày càng nỗ lực đổi mới để cạnh tranh với thế giới”.
Thực tế, các công ty khởi nghiệp Việt Nam vẫn tập trung quá nhiều vào thị trường trong nước. Trong khi đó, các startup tiêu biểu sẽ có tiềm năng trở thành các công ty lớn tại địa phương, theo Dzung Nguyễn – chủ tịch Cyberagent Venture của Việt Nam và Thái Lan nói.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư toàn cầu cũng đang bắt đầu thâm nhập vào châu Á và đầu tư hàng triệu USD. “Xu hướng này sẽ hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp. Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi đang tìm kiếm nhiều khoản đầu tư hơn tại Đông Nam Á. Sẽ có khoảng 15 khoản đầu tư trong vòng 5 năm tới”.
Mở rộng ra Đông Nam Á
Hàng loạt các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã mở rộng hoạt động ra các nước trong khu vực Đông Nam Á như Appota, CleverAds và Peacesoft. Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường nước ngoài, Appota và Peacesoft nói rằng các doanh nhân trẻ cần phải hợp tác với các công ty địa phương. Có nhiều cách để một startup có thể hợp tác với các công ty trong nước thay vì bắt tay với các đối thủ trong cùng lĩnh vực.
Các công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư thành công trên toàn cầu cũng khuyên các doanh nhân trẻ nên thử nghiệm và tìm hiểu các mô hình của mỗi nước và chọn ra sản phẩm phù hợp để phát triển.
Ví dụ thành công điển hình là Foody.vn – một website tìm kiếm thức ăn đã nhanh chóng tiến ra thị trường Đông Nam Á (tại Singapore, Malaysia và Thái Lan). Tuy nhiên, họ sẽ phải mất từ 3 – 5 năm nữa để trở thành công ty giá trị 1 tỷ USD.
Việt Nam sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp
Hệ sinh thái khởi nghiệp đang đứng ở ngưỡng cửa trở nên hết sức “khổng lồ” theo Eryadi K. Masli – giảng viên tại đại học Swinburne, Australia nói.
Nhiều năm trước, thế giới không chú ý đến thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam, nhưng hiện tượng Flappy Bird đã thay đổi quan điểm này. Rất nhiều công ty khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
“Con người Việt Nam thông minh, sự hỗ trợ từ chính phủ ngày càng nhiều và dòng vốn ồ ạt của các quỹ đầu tư sẽ giúp Việt Nam sớm trở thành địa điểm nóng nhất cho các công ty khởi nghiệp”.