Bắt đầu với một cửa hàng vào tháng 9 năm ngoái, tính đến nay chuỗi cửa hàng cà phê The Coffee House (TCH) đã tăng lên con số 9 với mức phục vụ hơn 3.000 lượt khách mỗi ngày. Nguyễn Hải Ninh, Giám đốc Điều hành của TCH cho biết đây chưa phải là cột mốc cuối cùng của Công ty trong năm nay.
Không phải là con số quá ấn tượng nhưng tốc độ phát triển của một công ty mới như TCH khiến người ta phải tò mò. Cụ thể, theo thống kê nội bộ của Công ty, tính đến tháng 4 năm nay ở phân khúc chuỗi cà phê cao cấp, Hinglands Coffee vẫn đang dẫn đầu về số lượng cửa hàng ở khu vực TP.HCM với 59 cửa hàng.
Xếp thứ nhì là Trung Nguyên với 57 cửa hàng. Đứng thứ ba là The Coffee Bean & Tea Leaf 16 cửa hàng. Nổi bật trong nhóm thương hiệu ngoại là Starbucks Coffee dù mới xuất hiện nhưng đã vượt mặt Nydc (New York Desert Coffee), Gloria Jeans Coffee và Angel-in-us Coffee với 12 cửa hàng.
Nguyễn Hải Ninh, Giám đốc Điều hành của TCH
Trong khi đó, ở phân khúc giới trẻ hay thanh thiếu niên là sự góp mặt của Urban Station với hơn 30 cửa hàng. Theo sát nút là chuỗi cà phê thương hiệu Passio với 23 cửa hàng.
Tuy nhiên, theo Hải Ninh, chính sự nhộn nhịp của thị trường lại là cơ hội. Cũng như trước đây anh từng bỏ cơ hội làm việc tại Pepsi để khởi nghiệp bằng chuỗi cà phê Urban Station dù thị trường cà phê lúc đó đã “chật ních”.
Tốt nghiệp Khoa Hóa Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM năm 2010, 4 năm sau, Nguyễn Hải Ninh đã xây dựng thành công chuỗi cửa hàng cà phê danh tiếng Urban Station cùng với người đồng sự Đinh Nhật Nam. Sau cuộc chia tay với vai trò quản trị ở Urban Station (dù vẫn nắm giữ 26% cổ phần ở chuỗi này), Nguyễn Hải Ninh tiếp tục theo đuổi giấc mơ cà phê với chuỗi The Coffee House.
Theo nhận định của anh, khác với sự theo đuổi khá sát sao nhau về số lượng cửa hàng, khoảng trống về giá đồ uống giữa các thương hiệu này lại cách nhau khá xa. Cụ thể, mức giá trung bình của Urban Station, Passio dao động từ 15.000 cho đến dưới 40.000 đồng.
Trong khi đó mức giá trung bình của Trung Nguyên, Starbucks Coffee hay Coffee Bean dao động từ 40.000 cho đến hơn 90.000 đồng. “Có khoảng trống ở mức giá từ 30.000 cho đến dưới 60.000 đồng. Và đây là thị trường của TCH”, Hải Ninh nói.
Bên cạnh đó, việc ngày càng nhiều thương hiệu cà phê ngoại với cách thiết kế và phong cách phục chuyên nghiệp đã làm thay đổi trải nghiệm thưởng thức cà phê của một bộ phận không nhỏ khách hàng ở khu vực TP.HCM.
Chính vì thế, TCH được thiết kế với không gian rộng rãi, không quá ồn ào và sang trọng với tông màu đen và trắng làm chủ đạo. Đối tượng phục vụ là những khách hàng đã đi làm, đã đi du lịch và thích trải nghiệm ở các mô hình cà phê ở nước ngoài với mức giá đã “địa phương hóa”. “Quan điểm của TCH là đem đến cho khách hàng trải nghiệm sang trọng với mức giá chấp nhận”, Hải Ninh nói.
Chiến lược này đến thời điểm hiện tại đã chứng minh phần nào sự hiệu quả, Hải Ninh cho biết mỗi cửa hàng TCH hiện nay đều đã có lợi nhuận sau tháng đầu hoạt động. Đây cũng là yếu tố giúp TCH gia tăng số lượng cửa hàng nhanh hơn nhờ thu hút được hai nhà đầu tư.
Một là Seedcom, quỹ đầu tư cá nhân đã đầu tư vào các doanh nghiệp khá thành công trong hai năm trở lại đây là Tiki, Giao Hàng Nhanh… Được biết, Seedcom có kinh nghiệm trong việc tăng tốc độ mở rộng chuỗi cửa hàng TCH. Quỹ còn lại (không muốn nêu tên) có thế mạnh về tiếp thị và xây dựng thương hiệu.
Con người là yếu tố quyết định
Mặc dù phát triển rất nhanh, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận chiến lược của TCH là thành công hay thất bại. Khá tự tin, ông chủ sinh năm 1987 của chuỗi cửa hàng cà phê này cho rằng có hai yếu tố quyết định sự thành bại của các chuỗi cà phê: khách hàng và nhân viên.
Đối với yếu tố khách hàng, do khởi nghiệp cà phê từ thời điểm phong trào cà phê đá xay rộ lên rồi đến cà phê mang đi, sau nhiều trào lưu như vậy Hải Ninh cho rằng người TP.HCM vẫn thích một không gian thích hợp để trò chuyện, cà phê chỉ là chất xúc tác cho nhu cầu kết nối mà thôi.
“Người ta thường xuyên lui tới quán cà phê nào đó ngoài vì thức uống còn vì không gian ở đó phù hợp với phong cách của họ, của bạn bè và cả đối tác của họ”, anh nói.
Yếu tố thứ hai là nhân viên, tất cả mọi thứ ở bất kỳ chuỗi cà phê nào đều có thể bị sao chép từ menu đồ uống, cách bố trí không gian, gam màu chủ đạo cho đến cách pha chế. Duy chỉ có sự nhiệt tình trong thái độ phục vụ của nhân viên là điều làm nên sự khác biệt. Để làm được điều này, nhân viên phải cảm thấy hài lòng với công việc.
Hải Ninh cho biết hiện ở TCH có chế độ lương, thưởng hấp dẫn phù hợp với công sức người lao động bỏ ra. Và quan trọng hơn là cho nhân viên thấy được tầm nhìn và thành quả mà họ đóng góp. Hải Ninh cho biết hiện việc mở rộng chuỗi cửa hàng TCH vẫn đang được tiến hành, dự kiến sẽ đạt 10 cửa hàng vào tháng 6 và Công ty đang phấn đấu đạt con số 20 vào cuối năm nay.